Đến khi nào “Người đặc biệt” chưa ngừng chinh phục các danh hiệu và mang đến thành công cụ thể cho Quỷ đỏ, ông có quyền tàn nhẫn với tất cả NHM Man United.
Sir Matt Busby, người đặt nền móng giúp M.U trở thành thế lực của bóng đá Anh thế kỷ trước từng nói với cậu học trò mà sau này trở thành biểu tượng của CLB - Sir Bobby Charlton về triết lý đội bóng: "Những người đến xem cậu thi đấu đều là công nhân ở Trafford Park. Họ đi làm và đến thứ bảy lại tới cổ vũ. Công việc dĩ nhiên rất buồn chán, vì vậy cậu phải thi đấu thế nào để khiến họ cảm thấy được thưởng thức thật sự".
Triết lý chú trọng tấn công của M.U ra đời từ đó và Alex Ferguson trở thành hình ảnh tiêu biểu nhất, đại diện cho những thành công xoay quanh lối chơi được mặc định của Quỷ đỏ. Nhưng trước sự phát triển mạnh mẽ và đa dạng hóa về chiến thuật hiện đại, Sir Alex buộc phải thay đổi để trở nên phù hợp, đề cao những trận đấu nhàm chán với tỷ số 1-0, hay chơi phòng ngự số đông trước Arsenal, Man City và các CLB thích kiểm soát bóng từ Tây Ban Nha.
Vì vậy, triết lý của M.U qua bao đời nay, suy cho cùng vẫn là thứ mơ hồ và không phải ngoại lệ, rất giống hầu hết các đội bóng lớn khác: cứ thắng đi đã, rồi nói gì cũng được. Jose Mourinho áp dụng triệt để khái niệm này và đoạt cú ăn 3 ngay trong mùa giải đầu tiên. Đó cũng là khác biệt cơ bản giữa Mourinho so với hai người tiền nhiệm David Moyes và Van Gaal. Với Moyes, ông đơn giản chưa đủ tầm dẫn dắt Man United, “Người được chọn” ở “vị trí cơ trưởng” tới sân Old Trafford hoàn toàn nhờ “tấm vé thông hành” mang tên Sir Alex.
Người còn lại Van Gaal thực tế chỉ là phương án chữa cháy khả dĩ ở thời điểm Giggs tạm lên nắm quyền, “Tulip thép” đến M.U với nhiệm vụ hàng đầu là lập lại trật tự nơi phòng thay đồ và xây dựng lối chơi giàu tính cống hiến sau nỗi thất vọng David Moyes. Dù vậy, trải qua những năm tháng cùng các CLB có trường phái tấn công rực lửa như Ajax, Barca hay Bayern nhưng “người Hà Lan” vẫn thể hiện sự bế tắc ở Man United trong hai mùa giải và kém xa cậu học trò Mourinho về sự quyết đoán và linh hoạt.
Đầu mùa, Mou dồn trọng tâm vào Ngoại hạng Anh, nơi có 4 suất dự giải đấu danh giá nhất châu Âu. Và xem nhẹ Europa League, coi đây như đấu trường dạo chơi của Quỷ đỏ. Hai thất bại vì thiếu động lực trước Feyenoord và Fenerbahce phần nào cho thấy điều đó. Thế nhưng vào tháng 11, ở thời điểm Man United xếp tận thứ 6 và thua đội xếp thứ 4 Arsenal với khoảng cách 6 điểm, Mou bắt đầu học cách tôn trọng Europa League.
“Không bao giờ quá muộn để bắt đầu lại từ đầu”, từ sau trận thua 1-2 trước Fenerbahce, không CLB nào ở Europa League đủ sức ghi 2 bàn vào lưới đội bóng của Mourinho. Đoàn quân áo đỏ cứ lầm lũi tiến về vạch đích dù không ít lần phải oằn mình gánh chịu trước chỉ thị “1-0 là đủ” từ “Người đặc biệt”.
Vì sao lại là 1-0? Trong 15 trận ở Europa League, M.U giữ sạch lưới 8 và không biết mùi thất bại trong một trận đấu mà họ mở được tỷ số. Nhìn rộng hơn, từ thời điểm Mou bắt đầu cầm quân ở Old Trafford, M.U bất bại tổng cộng 45 trận (thắng 37 và hòa 8) khi vươn lên dẫn điểm trước. Cái Mourinho dám và thành công hơn hai người tiền nhiệm là vượt qua được ám ảnh về truyền thống coi trọng tấn công của Man United, sẵn sàng đổ bê tông khi cần dù khoảng cách chỉ ít ỏi 1 bàn.
Những ông chủ người Mỹ chắc hẳn sẽ càng tin tưởng vào triết lý của Mourinho sau cú ăn 3 đi vào lịch sử. Và đến khi nào Người đặc biệt chưa ngừng chinh phục các danh hiệu mang đến thành công cụ thể cho Quỷ đỏ, ông có quyền tàn nhẫn với tất cả NHM Man United.